Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

LẤY ÂN BÁO OÁN

Bạn thân mến!
Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".

"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.

Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.

Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
Nguồn:http://www.catholic.org.tw
"Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng. Nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên sai người chặt đầu ông Gioan." (Mt 14,5.9-10)
Lạy Thánh Gioan, Tiền Hô của Chúa Cứu Thế, Đấng là Sự Thật. Xin cho con biết noi gương Ngài: can đảm trong việc công bố cho tất cả mọi người biết Thánh ý của Thiên Chúa, sau đó, biết chấp nhận những hậu quả cuối cùng của việc công bố này.

Thánh Phêrô Julian Eymard, Linh mục (1811-1868)


Ngài sinh tại La Mure d'Isère ở Đông Nam Pháp quốc, hành trình đức tin của ngài đưa ngài từ một linh mục giáo phận Grenoble (1834) gia nhập Dòng Marists (1839 – Dòng Tiểu đệ Đức Mẹ do Lm Jean Claude Colin thành lập tại Pháp năm 1817, chuyên việc giáo dục), rồi ngài lập Dòng Thánh Thể (Congregation of the Blessed Sacrament, viết tắt SSS từ Latin là Societas Sanctissimi Sacramenti) năm 1856.

Ngài còn đối phó với sự nghèo đói, với việc cha ngài phản đối ơn gọi của ngài, bệnh nặng, sự bành trướng của giáo phái Gian-sen (xem chú thích ở ngày 1-8), những khó khăn của giáo phận, nhưng sau đó được ĐGH phê chuẩn dòng mới của ngài.

Những năm ngài là tu sĩ Dòng Tiểu đệ Đức Mẹ, ngài thấy đắm mình trong việc sùng kính Thánh Thể, nhất là khi ngài giảng Bốn Mươi Giờ ở các giáo xứ. Mới đầu ngài được linh hứng bởi tư tưởng phạt tạ vì sự lãnh đạm với Thánh Thể, cuối cùng ngài bị thu hút vào tâm linh tích cực hơn đối với tình yêu tập trung vào Chúa Kitô. Các tu sĩ của Dòng Thánh Thể xen kẽ đời sống tông đồ và chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ngài và Marguerite Guillot thành lập Dòng Nữ tỳ Thánh Thể (Congregation of the Servants of the Blessed Sacrament).

Lm Phêrô Julian Eymard được phong chân phước năm 1925 và được phong thánh năm 1962, một ngày sau khi kết thúc khóa họp thứ nhất của Công đồng Vatican II.
Nguồn:http://thanhlinh.net

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Thánh Êusêbiô Vercelli, Giám mục (283?-371)

Thánh Êusêbiô là người bảo vệ Giáo hội trong lúc khó nguy nhất.
Ngài sinh tại đảo Sardinia, là thành viên giáo sĩ Rôma và là giám mục tiên khởi của GP Vercelli ở Piedmont. Ngài cũng là người tiên phong liên kết đời tu với giáo sĩ, thành lập linh mục đoàn giáo phận theo nguyên tắc: “Cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là phải cho giáo dân thấy giáo sĩ vững mạnh nhân đức và sống cộng đoàn”.
Ngài được ĐGH Libêriô cử đi thuyết phục hoàng đế kêu gọi thành lập hội đồng để giải quyết các vấn đề giữa Công giáo và tà thuyết Arian (*). Khi được cử tới Milan, Thánh Êusêbiô miễn cưỡng đi, ngài cảm thấy khối Arian sẽ có cách riêng, dù người Công giáo đông hơn. Ngài từ chối cùng lên án với thánh Athanasiô (giáo phụ, giám mục Hy Lạp, 293-373); ngài đặt tín điều công đồng Nicê lên bàn và cương quyết rằng phải ký trước khi tiếp tục các vấn đề khác. Hoàng đế ép buộc ngài, nhưng ngài cương quyết là thánh Athanasiô vô tội và nhắc hoàng đế nhớ rằng không được dùng quyền lực thế gian để gây ảnh hưởng quyết định của Giáo hội. Mới đầu hoàng đế dọa giết ngài, nhưng sau lại đày ngài đi Palestine. Có những người theo thuyết Arian kéo ngài đi trên các con đường và nhốt ngài vào một phòng nhỏ, chỉ thả ngài ra sau khi bỏ đói ngài 4 ngày. Không lâu sau ngài được phục chức.
Nhưng rồi ngài lại bị tiếp tục đi đày ở Tiểu Á và Ai Cập tới khi hoàng đế mới cho ngài về tòa giám mục ở Vercelli. Ngài tham dự Công đồng Alexandria với thánh Athanasiô và tỏ ra nhân hậu với các giám mục đã bị nao núng. Ngài cũng làm việc với thánh Hilary Poitiers để chống lại tà thuyết Arian. Ngài qua đời an bình tại giáo phận khi tuổi cao sức yếu.
——————————
(*) Arianism: thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Công đồng Nicaea (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah’s Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

Trích nguồn: http://thanhlinh.net

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Thánh Alphongsô Ligôri, Giám mục Tiến sĩ (1696-1787)


Công đồng Vatican II nói rằng Thần học Luân lý (THLL) nên được nuôi dưỡng xuyên suốt bằng Kinh thánh, Công đồng còn cho thấy tính cao quý của ơn gọi Kitô giáo của các tín hữu và trách nhiệm của họ là sinh hoa kết quả trong đức ái đối với cuộc sống trần gian. Thánh Alphongsô được ĐGH Piô XII tôn vinh là bổn mạng các nhà thần học luân lý năm 1950. Suốt đời ngài đấu tranh cho sự giải phóng của THLL khỏi sự khắt khe của tà thuyết Gian-sen (*). THLL của ngài, được xuất bản 60 lần sau khi ngài qua đời, tập trung vào các vấn đề cụ thể và thực tế của các mục tử và các vị giải tội. Nếu một sự tuân thủ luật pháp và tính tối thiểu nào đó luồn lách vào THLL, nó không nên được quy vào kiểu chừng mực và sự nhẹ nhàng này.
Tại ĐH Naples, lúc mới 16 tuổi, ngài đã nhận bằng tiến sĩ về Giáo luật và Dân luật, nhưng ngài mau chóng bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài thụ phong linh mục và tận tụy với việc mục vụ, giải tội, và thành lập những nhóm Kitô giáo. Ngài lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Đó là một đoàn thể linh mục và tu sĩ sống đời cộng đoàn, cố gắng noi gương Chúa Kitô, và hoạt động chủ yếu về các nhiệm vụ phổ biến dành cho dân nghèo ở các vùng quê. Việc cải cách mục vụ vĩ đại của ngài tòa giảng và tòa giải tội. Ngài có tài viết lách, đi khắp vùng Naples, và rao truyền các nhiệm vụ phổ biến.
Ngài được bổ nhiệm giám mục lúc 66 tuổi, dù ngài cố từ chối, và ngài liền cho xây các cơ sở trong khắp giáo phận. Ngài bị khập khiễng và kém thị lực, ký các văn bản và bị lừa.
Lúc 71 tuổi, ngài bị thấp khớp không chữa được nên bị vẹo cổ. Ngài chịu suốt 18 tháng về cảnh “đêm tối”, sợ hãi, bị cám dỗ chống lại các bài viết về đức tin và nhân đức, nhưng vẫn có những khoảng sáng và khuây khỏa là những lúc thường xuyên xuất thần.
Ngài không chỉ nổi tiếng về THLL, ngài còn viết nhiều về lĩnh vực thần học tâm linh và tín lý. Cuốn Glories of Mary (Vinh quang Mẹ Maria) là một trong các tác phẩm lớn của ngài, và cuốn Visits to the Blessed Sacrament (Viếng Thánh Thể) của ngài được tái bản 40 lần ngay khi ngài còn sống, ảnh hưởng nhiều đến việc thực hành sự tận hiến trong Giáo hội.
—————————
(*) Jansenism: thuyết của Cornelis Jansen, khoảng 1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người is không thể tốt lành. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ, tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết. Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm 1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại một tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới cuối thế kỷ 20.
Trích nguồn:http://gpcantho.com

CẢI TRANG

Bạn thân mến!
           Câu chuyện mà tôi sắp kể cho bạn nghe là câu chuyện nói về sự tồn tại của Đấng Cứu Thế, Ngài không ở xa bạn đâu. Xin hãy chăm chú đọc và suy ngẫm bạn nhé.

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự phá hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người...
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa...
Trích nguồn: Lẽ sống

Chúa Giêsu phán: "Không tiên tri nào được vinh dự tại quê nhà". Người không làm nhiều phép lạ vì họ chẳng có lòng tin. 
(Mt 13,57-58)
Lạy Chúa, Đức tin chúng con còn yếu kém, xin Ngài nâng đỡ Đức tin của chúng con.