Khoảng mười ngàn người đã tập trung tại Công viên Hòa Bình của Hiroshima vào sáng ngày 7/8/2013, để kỷ niệm lần thứ 68 vụ đánh bom hạt nhân xuống thành phố.
Lúc 8 giờ 15 phút sáng, – thời điểm mà chiếc B-29 mang tên Enola Gay thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại – , những người tụ tập tại công viên đã dành một phút suy gẫm trong thinh lặng. Ngay sau đó, họ thả một số chim bồ câu, là biểu tượng của hòa bình. Hiện diện trong buổi lễ còn có Đức Giám mục Thomas Manyo Maeda của Hiroshima và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Cũng như mọi năm, tòa thị chính sau đó gióng tiếng “Chuông Hòa bình” và thị trưởng của thành phố đã thêm tên của những người sống sót trong vụ nổ bom, đã qua đời trong năm qua kể từ ngày 6 tháng 8 – vào khu vực đài tưởng niệm. Thủ tướng cũng đã đặt vòng hoa tại đây.
Những nạn nhân của vụ đánh bom phải mang những vết sẹo do bức xạ và các bệnh tật khác liên quan đến hạt nhân. Họ được mọi người Nhật kính trọng dưới cái tên ‘hibakusha’. Hiện nay, có 201.779 người vẫn còn sống sau vụ đánh bom.
Kế đến, ông Kazumi Matsui – thị trưởng của thành phố – đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình : “Chúng tôi cam kết làm tất cả mọi thứ trong khả năng, để tiêu diệt cái ác của vũ khí hạt nhân và đạt được một thế giới hòa bình, nhằm an ủi vong linh của các nạn nhân trong vụ đánh bom nguyên tử.”
Ước tính có khoảng 140.000 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hạt nhân tại Hiroshima, tiếp theo sau là vụ đánh bom Nagasaki vào ngày 9 tháng Tám năm 1945. Khối Đồng minh đã cho rằng, Nhật Bản là quốc gia Phát-xít còn lại cần phải đánh bại, nên họ đã cho thực hiện hai vụ tàn phá khủng khiếp để sớm kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Tokyo đã đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng Tám 1945 sau đó.
Giáo Hội Nhật Bản cũng kỷ niệm sự kiện trên với hoạt động mang tên “Mười Ngày vì Hòa bình.” Trước đó, Đức Cha Peter Takeo – Chủ tịch Hội đồng Giám mục và là Tổng Giám mục Tokyo – cũng đã gửi đi một thông điệp thường niên với chủ đề “Nền tảng của hòa bình là sự bảo vệ phẩm giá con người” vào cuối tháng sáu.
Trong khi đó, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng đang ở tại Nhật Bản vì sự kiện này. Ngài đã dâng Thánh lễ vì Hòa bình tại nhà thờ Chánh tòa của Hiroshima. Trong bài giảng, ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc “kết thúc thái độ thù địch giữa con người với nhau và việc biến chuyển các công cụ phục vụ sự chết thành các công cụ phục vụ cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”
Cũng trong ngày hôm qua, Đức Hồng y Turkson đã tham gia một cuộc họp liên tôn và đưa ra một bài diễn văn về sự hợp tác trong việc xây dựng hòa bình thế giới. Vào thứ năm Ngài sẽ tham dự một buổi tưởng niệm liên tôn tại Công viên “Ground Zero” và đọc một lời nguyện cho những nạn nhân trong. Vào thứ sáu, Đức Hồng Y tiếp tục chủ sự một thánh lễ vì hòa bình trên thế giới tại Nagasaki.
Nguồn: chuacuuthe.com
Nhìn lại sự việc này làm tôi nhớ đến câu Lời Chúa sau:
"Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy." (Mt 18,20)
Lạy Chúa, xin cho con biết chuyên tâm cầu nguyện để không bao giờ lơ là trong việc cầu nguyện với Chúa, vì chính khi đó Chúa đang hiện diện với chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét