Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Người con trở về

Gia đình người con nghe tiếng Chúa tại Giáo xứ Tín Đức là anh Phêrô Võ Văn Ngà, chị Têrêsa Lê Thị Thùy Trang và hai cháu là Maria Lê Võ Anh Thi và Maria Lê Võ Anh Thư.
Gia đình anh chị được Rửa tội theo nghi thức của Tân tòng.
Một số hình ảnh ghi lại được khi Cha Đa minh cử hành các nghi thức cho gia đình anh chị.














Gia đình hai anh chị tuy không giàu có gì lắm nhưng cũng không tới nỗi bần cùng. Cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương của anh, vợ anh ở nhà cũng nhặt vỏ tỏi  và nhận giặt quần áo thuê cho người ta để kiếm thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình. Hai cháu Thi và Thư thì chăm ngoan, học giỏi nhiều năm liền.
Khi được hỏi tại sao gia đình anh chị lại muốn theo Đạo Thiên Chúa thì anh kể rằng:
"Từ khi gia đình anh chị dọn về sống ở nơi mới, xung quanh là những bà con có đạo, gia đình anh chị được sống trong một môi trường hoàn toàn khác không giống như nơi ở cũ, không có cảnh đôi co cự cải trong gia đình, không có những lời chói tay gai mắt, than phiền vì những điều nhỏ nhặt từ những người hàng xóm. Những buổi chiều thứ bảy, Chúa nhật nhìn những người hàng xóm của mình trong những bộ quần áo tươm tất đi tham dự Thánh Lễ trong lòng anh chị cũng thấy có cái gì đó thôi thúc anh chị. Được sự hướng dẫn của một số bà con giáo dân gần nhà, cả gia đình anh chị đã quyết định xin đi học giáo. Anh chị đã tới gặp cha sở Đa minh trình bày ước nguyện của mình thì cha sở vui mừng chào đón anh chị. Cha đã nhờ soeur Anna Phụng hướng dẫn cho hai anh chị về giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, riêng hai cháu thì được tham gia các lớp xưng tội Rước lễ lần đầu như các em trong giáo xứ."
Ngày 15/8/2013 trong Thánh lễ mừng kính Mẹ maria hồn xác lên trời, gia đình anh chị qua bí tích Rửa tội đã chính thức trở thành con cái Chúa và Hội Thánh.
Điều tác giả muốn gửi gấm qua bài này là: Không phải vì lý do hôn nhân nhân hay chủ quan nào từ phía gia đình mà anh chị anh chị xin theo đạo, xin cho gia đình anh chị sống tốt trước mặt Chúa và Hội thánh.


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Thánh Joan Thánh giá, Nữ tu (1666-1736)

Bạn thân mến!
Thánh Joan Thánh giá 

Cuộc gặp gỡ một bà cụ nghèo khổ đã giúp thánh Joan dành cả đời mình cho người nghèo. Đối với thánh nữ, là một thương gia chú trọng thành công về tiền bạc, thì đó là một bước ngoặt quan trọng.

Sinh năm 1666 tại Anjou, Pháp, thánh Joan hành nghề kinh doanh rất sớm với một cửa tiệm nhỏ của gia đình ở gần một đền thờ. Sau khi cha mẹ mất, bà quản lý cửa tiệm. Bà mau chóng “được” mọi người biết về tính tham lam và vô cảm của bà đối với những người ăn xin.

Joan được đánh động bởi một bà cụ xa lạ, bà cụ này yêu cầu Joan nên sống thân thiết với Chúa. Joan có bản chất tốt nên đã trở thành một con người mới. Bà bắt đầu cham sóc trẻ em cơ nhỡ, người nghèo, người bệnh và người già nua, những người đến nhờ bà giúp đỡ. Một thời gian sau, bà bỏ kinh doanh để có thể dành cả thời gian làm việc thiện và ăn năn đền tội.

Cuối cùng bà đã lập Dòng Thánh Anna Chúa Quan phòng (Congregation of St. Anne of Providence). Lúc đó bà lấy tên dòng là Joan Thánh giá. Bà qua đời năm 1736, đến lúc này bà đã thành lập được 12 tu viện, nhà tế bần và trường học. Bà được ĐGH Piô XII phong chân phước ngày 5-11-1947, và được. Bà được Chân phước Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 31-10-1982.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

MẸ BAY LÊN

"Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô": đó là hàng chữ mà hiện nay hàng ngàn du khách đều lâm râm đọc mỗi khi đứng mặc niệm trước mộ của nữ minh tinh Marilyn Monroe tại nghĩa trang Westwood, nằm ở phía Tây thành phố Los Angeles.

Hiện nay, từng giây, từng phút, hàng ngàn cánh hoa được du khách mang đến, phủ kín nơi an nghỉ của người nữ minh tinh xấu số này. Ngày 15/8/1962, người nữ minh tinh với mái tóc bạch kim óng ả lặng lẽ ra đi không một lời dã biệt. Cuộc quyên sinh của cô, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Giữa lúc danh vọng đang lên, giữa lúc tiền bạc đang vào ngút ngàn, Marilyn đã chọn lấy cái chết...

Randall Reise, tác giả viết lại cuộc đời của Marilyn Monroe, đã nhận định như sau: "Marilyn không còn là một con người nữa. Cô đã trở thành một huyền thoại. Cô không còn là một nhân vật của Holywood nữa. Cô đã trở thành một yếu tố trong nền văn hóa của nước Mỹ".

Marilyn đã trở thành lý tưởng của rất nhiều ca sĩ và minh tinh điện ảnh hiện nay. Nhưng mãi mãi, cô đã trở thành một câu hỏi lớn cho con người của thời đại: Con người bởi đâu mà ra? Con người sinh ra để làm gì? Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống? Tiền bạc, danh vọng có làm cho con người được hạnh phúc không? Marilyn Monroe là hiện thân của những câu hỏi ngàn đời ấy...

"Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô", bởi vì cô đã không ngừng bị dằn vặt bởi những khắc khoải quá lớn về cuộc sống. Chúng tôi thông cảm với cô, bởi vì thiếu một niềm tin vào cuộc sống, thì không còn chọn lựa nào hơn là cái chết...


Hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ hồn xác lên trời...
Ngày 22/7/1973, thành phố Giêrusalem đột nhiên biến thành nhộn nhịp khác thường, từng đoàn người tuôn đến vườn Giêsêmani... Có tin cho biết các nhà khảo cổ đã tìm thấy tảng đá trong mồ nơi đặt xác Ðức Mẹ. Ðức Mẹ đã chết. Ðó có lẽ phải là khẳng định đầu tiên mà các nhà khảo cổ có thể đưa ra khi tìm thấy tảng đá...

Chết là số phận tất yếu của thân phận con người. Chúa Giêsu đã chết. Có ai thoát khỏi sự chết! Nhưng có nhiều cái chết. Chúa Giêsu đã chết để phục sinh. Ðức Mẹ đã chết để được cất nhắc cả hồn xác về trời. Với Chúa Giêsu và Ðức Mẹ, cái chết là khởi đầu của hy vọng. Cái chết là ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì có chết mới được sống đời đời...

Nếu cái chết của Marilyn Monroe là một dấu hỏi được đặt ra về ý nghĩa của cuộc sống, thì cái chết của Mẹ Maria chính là câu trả lời. Qua cái chết để được cất nhắc về trời, Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, của cái chết và như vậy Mẹ trở thành chính niềm hy vọng của chúng ta.

Trong một cuộc sống không dư tiền dư của như Marilyn đã từng sống, chúng ta vẫn nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Trong ý nghĩa đó, cái chết đã trở thành khởi điểm cho một sự biến đổi mà chính Ðức Maria đã là dấu hiệu báo trước cho chúng ta...

Xin cho niềm tin này củng cố chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Xin cho chúng ta luôn biết hướng nhìn về Mẹ Maria, như là đèn pha cho chúng ta giữa những u tối và cuồng phong của cuộc sống.
Trích nguồn: Lẽ sống

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Mười ngàn người cầu nguyện cho hòa bình tại Hiroshima


GIAPPONE_-_HIROSHIMA_CERIMONIA
Theo hãng tin Asianews
           Khoảng mười ngàn người đã tập trung tại Công viên Hòa Bình của Hiroshima vào sáng ngày 7/8/2013, để kỷ niệm lần thứ 68 vụ đánh bom hạt nhân xuống thành phố.
Lúc 8 giờ 15 phút sáng, – thời điểm mà chiếc B-29 mang tên Enola Gay thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại – , những người tụ tập tại công viên đã dành một phút suy gẫm trong thinh lặng. Ngay sau đó, họ thả một số chim bồ câu, là biểu tượng của hòa bình. Hiện diện trong buổi lễ còn có Đức Giám mục Thomas Manyo Maeda của Hiroshima và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
           Cũng như mọi năm, tòa thị chính sau đó gióng tiếng “Chuông Hòa bình” và thị trưởng của thành phố đã thêm tên của những người sống sót trong vụ nổ bom, đã qua đời trong năm qua kể từ ngày 6 tháng 8 – vào khu vực đài tưởng niệm. Thủ tướng cũng đã đặt vòng hoa tại đây.
Những nạn nhân của vụ đánh bom phải mang những vết sẹo do bức xạ và các bệnh tật khác liên quan đến hạt nhân. Họ được mọi người Nhật kính trọng dưới cái tên ‘hibakusha’. Hiện nay, có 201.779 người vẫn còn sống sau vụ đánh bom.
           Kế đến, ông Kazumi Matsui – thị trưởng của thành phố – đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình : “Chúng tôi cam kết làm tất cả mọi thứ trong khả năng, để tiêu diệt cái ác của vũ khí hạt nhân và đạt được một thế giới hòa bình, nhằm an ủi vong linh của các nạn nhân trong vụ đánh bom nguyên tử.”
Ước tính có khoảng 140.000 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hạt nhân tại Hiroshima, tiếp theo sau là vụ đánh bom Nagasaki vào ngày 9 tháng Tám năm 1945. Khối Đồng minh đã cho rằng, Nhật Bản là quốc gia Phát-xít còn lại cần phải đánh bại, nên họ đã cho thực hiện hai vụ tàn phá khủng khiếp để sớm kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Tokyo đã đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng Tám 1945 sau đó.
           Giáo Hội Nhật Bản cũng kỷ niệm sự kiện trên với hoạt động mang tên “Mười Ngày vì Hòa bình.” Trước đó, Đức Cha Peter Takeo – Chủ tịch Hội đồng Giám mục và là Tổng Giám mục Tokyo – cũng đã gửi đi một thông điệp thường niên với chủ đề “Nền tảng của hòa bình là sự bảo vệ phẩm giá con người” vào cuối tháng sáu.
          Trong khi đó, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng đang ở tại Nhật Bản vì sự kiện này. Ngài đã dâng Thánh lễ vì Hòa bình tại nhà thờ Chánh tòa của Hiroshima. Trong bài giảng, ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc “kết thúc thái độ thù địch giữa con người với nhau và việc biến chuyển các công cụ phục vụ sự chết thành các công cụ phục vụ cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại.”
            Cũng trong ngày hôm qua, Đức Hồng y Turkson đã tham gia một cuộc họp liên tôn và đưa ra một bài diễn văn về sự hợp tác trong việc xây dựng hòa bình thế giới. Vào thứ năm Ngài sẽ tham dự một buổi tưởng niệm liên tôn tại Công viên “Ground Zero” và đọc một lời nguyện cho những nạn nhân trong. Vào thứ sáu, Đức Hồng Y tiếp tục chủ sự một thánh lễ vì hòa bình trên thế giới tại Nagasaki.
Nguồn: chuacuuthe.com
Nhìn lại sự việc này làm tôi nhớ đến câu Lời Chúa sau:
"Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy." (Mt 18,20)
          Lạy Chúa, xin cho con biết chuyên tâm cầu nguyện để không bao giờ lơ là trong việc cầu nguyện với Chúa, vì chính khi đó Chúa đang hiện diện với chúng con.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

HẠT GIỐNG NIỀM HI VỌNG

Bạn thân mến!


            Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau:
       Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng gặp nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.

Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.

Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.

Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.
Trích nguồn: Lẽ  sống
Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta rằng:
"Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó." (Lc 12,34)
Suy niệm: Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới chứ đừng mãi mê những thứ thuộc về hạ giới để mai sao được hưởng nhan Thánh Chúa trên trời.